Trà là một thức uống hàng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam, trà đi vào mọi ngóc nghách của cuộc sống người việt, gắn liền với mỗi con người Việt Nam từ khi mới ra đời cho đến khi về với đất mẹ. Khi mới ra đời những đứa trẻ được cha mẹ tắm cho bằng nước trà xanh, đến khi nhắm mắt xuôi tay lại được nằm trên một lớp trà.
Dân tộc ta tuy không có nền văn hóa trà có vẻ ngoài hào nhoáng như trà trung hoa, không câu nệ lễ tiết như trà đạo nhật bản. Nhưng chúng ta cũng có những nét riêng về văn hóa trà mà không có quốc gia nào có được. Một trong những nét độc đáo của văn hóa trà việt chính là trà ướp với hoa truyền thống .
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập tới văn hóa trà ướp hoa truyền thống dưới góc nhìn của một người làm trà đất hà thành, một góc nhìn có thể phiến diện mang tính chủ quan cá nhân, nhưng tôi nghĩ sẽ cung cấp đến cho quý vị yêu trà một chút kiến thức tổng quan đọc trong những khi rảnh rỗi bên chén trà thơm.
Sự ra đời của các loại trà ướp hoa truyền thống
Thật sự đến thời điểm này cũng chưa có một tài liệu nào cụ thể đề cập và nghiên cứu chính xác về văn hóa uống trà ướp hoa truyền thống. Cũng không có tư liệu nào khẳng định rằng các loại trà ướp với hoa là do người Việt sáng tạo ra. Một phần cũng do 1000 năm đô hộ của phương bắc, các tài liệu về văn hóa trà bị tận diệt dưới chính sách đồng hóa giờ cũng không còn. Nhưng với tính cách của dân tộc Việt lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta chưa bao giờ bị đồng hóa về mặt văn hóa mà chúng ta thường biến những cái hay của văn hóa ngoại lại thành những giá trị mới,tạo thành cái riêng của chúng ta.
Vào thời kỳ phong kiến văn hóa trà của chúng ta tồn tại hai xu hướng chính : Người nghèo, người dân lao động thường uống trà tươi, nụ vối. Người giàu hay tầng lớp quan lại thường uống trà khô của tàu mang sang hoặc các loại trà cổ thụ trên mạn ngược.
Theo quan điểm cá nhân của tôi thì trà tàu khi mang sang việt nam thường phải trải qua một hành trình rất dài, giá trà khi đến tay người dùng cũng không hề rẻ nên bản thân những người có tiền mua trà tàu thì họ cũng phải sử dụng một cách dè sẻn,chỉ dùng cho bản thân hoặc khi có khách quý đến nhà.
Nhưng cũng vì thời gian vận chuyển và lưu trữ rất dài dẫn đến các loại trà bị mất đi mùi hương đặc trưng của trà, có thể do sự nuối tiếc trà quý mà một số người đã tìm cách ướp một loại hương của hoa vào trà đem lại một sức sống mới cho những loại trà cũ. Với cách nhìn này các bạn có thể thấy rằng hơi phiến diện, không thanh tao như nhiều người nghĩ về các loại trà ướp hương . Nhưng nếu am hiểu về cách làm trà sen truyền thống của người hà thành thì ta cũng thấy một điều trùng hợp, là loại trà dùng để ướp sen thường là trà mạn hà giang đóng thành bánh lớn để lâu năm cho trà hoai hết hương mới dùng để ướp. Tất nhiên đây là một nguyên lý rất đơn giản là hương tự nhiên của trà không còn thì khi kết hợp với hoa sẽ làm nổi mùi hương tự nhiên của hoa lên rất nhiều. Nhưng cái nguyên lý đơn giản này được phát hiện một cách tình cờ như tôi đã nói ở trên.
Dù khởi thủy sinh ra các loại trà ướp hương hoa tự nhiên ra sao thì hiện nay các loại trà ướp hương truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa trà của người Việt chúng ta.
Điểm qua các loại trà ướp hoa truyền thống Việt Nam
Trà ướp hoa nhài
Trong các loại trà ướp với hoa tự nhiên thì Trà Nhài là một loại phổ biến nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến ở rất nhiều quốc gia có nền văn hóa trà lâu đời khác nhưng cách ướp trà nhài của nước ta cũng có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt này đến từ cách uống trà và loại trà mà thị trường trong nước chúng ta đang được tiêu thụ lớn nhất là trà xanh hay lục trà hoặc là trà sao suốt không lên men. Vì thế nên hầu hết các loại trà ướp hương của chúng ta đều được sử dụng nguyên liệu chính là trà xanh.
Do dùng trà xanh để ướp hoa nên thành phẩm của trà nhài việt nam có vị chát nhẹ đặc trưng của trà xanh xen lẫn hương thơm nhẹ nhàng của hoa nhài. Ở các quốc gia khác nguyên liệu ướp trà nhài thường chủ yếu là các loại trà đã lên men theo nhiều mức độ có thể là trà ô long, nguyên liệu trà shan đã lên men nhẹ …
Trà ướp hoa sen
Trà sen nói chung hay Trà Sen Tây Hồ nói riêng là một sản phẩm trà truyền thống gần như chỉ có tại Việt Nam. Bản thân tôi đã từng cho các bạn Trung quốc chuyên kinh doanh trà xem ảnh quy trình ướp trà sen tây hồ tươi và khô của chúng tôi thì họ cũng rất ngạc nhiên và chưa từng gặp sản phẩm trà tương tự ở nước họ.
Cụ thể hơn về trà sen của việt nam thì nguyên liệu chính hiện giờ được đa số người dùng yêu thích vẫn là trà xanh có thể là trà xanh thái nguyên hoặc trà xanh cổ thụ hay trà shan của các vùng núi phía bắc. Về xa xưa hơn thì nguyên liệu dùng ướp trà sen thường là trà shan đóng bánh để lâu năm cho hoai, lên men tự nhiên trong thời gian dài. Nhưng do loại trà này có nước đỏ, tuy hương sen rất thơm, vị trà khác biệt với gu uống trà xanh có vị chát nhẹ thông thường nên lâu dần loại trà này đã gần như bị mai một do thị hiếu người tiêu dùng.
Ngoài ra có một sản phẩm mới nhưng không mới là trà ướp trong bông sen còn tươi, sau đó lấy trà ra và uống tươi. Nói là mới nhưng không mới vì đã từ lâu rồi các cụ trong gia đình tôi tại một làng ven đô hà nội đã có thói quen uống trà sen tươi ướp ngay tại đầm. Cụ Lang nhà tôi thường mua những bông sen ướp sẵn với trà mạn với giá 2 hào tương đương với một bát phở thời bấy giờ của một người khác có đầm sen trong xóm. Nhưng thời ký bấy giờ phong trào uống trà sen tươi chưa được biết tới rộng rãi như bây giờ một phần là do cách bảo quản khó khăn phải dùng ngay khi làm xong. Hiện tại do có các công nghệ bảo quản lạnh hiện đại trà sen tươi được lưu trữ trong thời gian rất dài nên ngay cả khi mùa sen đã qua bạn vẫn có thể mua được trà sen tươi trên thị trường. Và yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự phổ biến của trà sen ướp tươi là giá thành chỉ từ 30 đến 50.000 VND, rất đại chúng ai cũng có thể mua được không như trà sen khô có thời điểm được bán tới 100$ 100g trà .
Trà ướp hoa ngâu
Cũng như hoa nhài, hoa ngâu là một loại hoa được trồng rất phổ biến trong vườn nhà của các gia đình việt nam. Là loại cây chịu được nắng nên cây ngâu thường được trồng làm cảnh,trồng tạo cảnh quan ở công viên,đường đi …
Hoa ngâu khi chín có màu vàng nhạt bé như trứng cá nở từng chùm cho hương thơm dịu nhẹ. Ngoài công dụng cho việc ướp trà thì hoa ngâu phơi khô cũng là loại thuốc quý rất tốt cho các bệnh về tim mạch và cao huyết áp.
Trà ướp hoa ngâu gần như chỉ phổ biến tại việt nam và không thấy tại các quốc gia khác. Trà ngâu cho hương thơm dịu khi kết hợp với trà đem lại cảm giác thư thái khi dùng. Trà và Hoa ngâu đều rất tốt cho việc giảm mỡ máu và cao huyết áp nên khi kết hợp lại thành một loại trà vừa có tính chất thưởng thức vừa có dược tính tốt cho sức khỏe .
Hiện nay trên thị trường trà ướp hoa ngâu khá khó kiếm do nguồn cung cấp hoa không có và hoa ngâu không được trồng đại trà như nhài và sen.
Trà ướp hoa bưởi
Cây bưởi là loại cây rất phổ biến và vùng trồng bưởi nổi tiếng nhất là vùng bưởi Diễn ở ngoại ô thành phố Hà Nội. Ngoại việc trồng lấy quả thì hoa bưởi được sử dụng ướp vào rất nhiều các món ăn truyền thống ở Hà Thành, ví dụ như mía ướp hoa bưởi, các loại chè có hương của hoa bưởi, bột sắn dây ướp hoa bửoi và trà mạn ướp hoa bưởi.
Hoa bưởi cho một hương thơm nồng nàn quyến rũ một thứ hương thơm đặc trưng của mùa xuân. Hiện tại Trà ướp hoa bưởi theo phương pháp cổ truyền tại Hà Nội khá khó kiếm do rất ít nơi làm, và vườn bưởi thường giữ hoa để lấy quả nên ít khi có hoa bưởi bán số lượng lớn để ướp trà.
Hoa bưởi tốt nhất dùng để ướp trà là hoa bưởi diễn cánh nhỏ nhưng thơm dịu, hoa có thể ướp với trà cổ thụ hoặc trà tân cương đều cho hương rất tốt.
Trà ướp hoa mộc
Trong các loại trà ướp hoa tự nhiên thì trà ướp hoa mộc là loại trà đắt đỏ chỉ đứng thứ 2 sau trà sen, vì hoa mộc là loại cây khá hiếm giá cây giống to khá cao, hoa nhỏ nên cần lượn hoa nhiều để ướp trà hơn các loại hoa khác.Một cây hoa mộc có gốc đơn to bằng bắp đùi người lớn có thể có giá lên đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra hoa mộc có hương thơm nhẹ nên dùng để ướp hương vào trà cũng khá khó khăn, ít nơi có thể làm được.
Loại trà dùng để ướp với hoa mộc cũng khá kén chọn cũng bởi vì hoa mộc có mùi hương nhẹ rất đặc biệt nên nếu trà dùng ướp hương có mùi thơm nồng mạnh sẽ làm át đi hương của hoa mộc. Một mẻ trà ướp hoa mộc đạt khi uống phải có hương thơm nhẹ quấn trong khoang miệng mùi thơm gần như mùi hoa quả cứ quấn quýt mãi.
Trà ướp hoa sói
Trà ướp hoa sói là loại trà khá phổ biến ở việt nam, do đặc điểm khí hậu cần thiết để canh tác hoa sói là phải có bóng râm và độ ẩm cao, cây hoa sói cũng đòi hỏi được tưới nhiều lần trong ngày và thu hoạch từ sáng sớm khi hoa mới chín. Chính vì vậy trồng hoa sói để ướp trà đòi hỏi mực độ đầu tư và chăm sóc nhiều hơn cả trồng nhài.
Nơi trồng hoa sói và ướp trà hoa sói có sản lượng lớn nhất là vùng bảo lộc lâm đồng, nơi đây có điều kiện khí hậu mát mẻ và cũng là một vùng canh tác trà lớn của nước ta vì thế nên nghề trồng và ướp hoa sói ở đây rất phát triển.
Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi trà ướp hoa sói của vùng bảo lộc vẫn chưa đạt mức chất lượng cao, có thể do quy trình làm công nghiệp, trà mộc dùng để ướp chủ yếu hái máy cánh trà khá xấu, giống trà dùng để ướp cũng là giống mới cho màu nước đẹp nhưng lại có vị lạt không bằng trà tân cương. Chính vì thể trà ướp hoa sói bảo lộc không được ưa chuộng lắm tại miền bắc do gu uống trà có vị chát và đậm hơn của trà tân cương.
Ở miền bắc nước ta tuy có nhiều giống trà ngon nhưng khí hậu không phù hợp lắm với việc canh tác đại trà hoa sói vì vậy hiện nay cũng khá khó kiếm trà ướp hoa sói ở miền bắc hay Hà Nội nói riêng.
(Nguồn sưu tầm: Trà Việt Nam)