Việt Nam chúng ta một đất nước mà Trà là một thứ không thế thiếu, chúng ta gắn bó với trà từ khi sinh ra, trà đóng góp một phần quan trọng trong các sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi con người Việt Nam.
Khi mới sinh ra bạn đã được Mẹ tắm trong nước trà xanh để đỡ bị hăm, rồi bạn lớn lên bên chén trà của Bố của Ông, khi bạn lớn lên cưới vợ trà cũng góp mặt trong lễ cưới, rồi khi về với đất mẹ bạn cũng được ấp ủ trong trà.
Và với người Việt ta, khách đến nhà dù lạ hay quen thì chủ nhà cũng đon đả rót nước pha trà mời khách, chén trà là đầu câu chuyện là thể hiện sự mến khách của người Việt.
Thêm nữa cái chuyện uống trà, Thưởng Trà cũng có nhiều chuyện để mà bàn. Cách người Việt Nam uống trà, Thưởng Trà cũng khác với các dân tộc khác các nền văn hóa khác. Chẳng có ở đất nước nào mà trà xanh hay trà tươi lại là thức uống phổ biến,dân dã thể hiện sự hào sảng của cả một dân tộc.
Và cũng chưa có một dân tộc nào khác kể cả các dân tộc mà họ nâng nên văn hóa trà của họ lên thành “ĐẠO” như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc lại có được cách uống trà cầu kỳ,mà thanh nhã như cách làm và uống Trà Sen Tây Hồ của người Hà Nội. Và cũng không có nhiều dân tộc có được văn hóa trà phát triển sâu rộng như Việt Nam từ cách uống trà, trà cũ trong cung đình, cách uống trà tươi dân dã, và cách uống trà thưởng trà như hội trà ngũ hương của các văn nhân nho sĩ thời xưa.
Trở lại với việc thưởng thức trà của chúng ta ngày nay, chắc bạn đã tự từng hỏi cách thưởng trà của mình đã đúng đã chuẩn hay chưa ? và Thường Trà như thế nào mới là đúng cách ? mới là văn hóa ?
Câu trả lời rất đơn giản : Chẳng có cách nào là chuẩn cả và hãy thưởng thức trà theo cách của bạn.
Tại sao lại như thế ? Hãy trở lại với nguồn gốc của trà, công dụng đích thực của trà : Giải Khát, giúp tỉnh táo và sau đó mới đến Thưởng Thức Trà.
Dân tộc chúng ta là dân tộc biết đến trà sớm nhất trên thế giới, đến Khổng Tử triết gia vĩ đại của Trung Quốc đã phải nói : “… dân Bách-Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn chứ không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước bằng lá cây hái trong rừng gọi là trà.” Vâng từ vài nghìn năm trước chúng ta đã biết đến trà tươi. Và mục đích lúc đó đơn giản chỉ là giải khát và tỉnh táo khi làm việc.
Mà cái việc uống trà tươi thì chẳng thể dùng một cái chén hạt mít để mà uống được mà phải dùng bát lớn mới đã, làm ực một cái hết nhẵn mới sướng. Thế mà có nhiều người có tí chữ trong đầu lại bảo thế là Ngưu ẩm hay Tượng ẩm gì đó ? Ừ thì ngưu ẩm nhưng với cái thời tiết nóng ẩm khó chịu như miền bắc khi khát khô cả cổ đưa cho bát trà xanh thì lúc ấy nho nhã đến mấy, thanh cao bao nhiêu cũng phải ực cái cho nó đã khát, lúc ấy lại đưa cho anh nho nhã cái chén hạt mít thì chắc ngồi mà khóc. Thế nên cái chuyện uống này nó do thời tiết quyết định, tất nhiên khi vấn đề “đã khát” đã giải quyết thì mới bàn được đến chuyện thưởng thức trà được.
Cuộc sống mỗi ngày một khấm khá hơn nên cái nhu cầu thưởng thức trà cũng mỗi ngày một đi lên, cầu kỳ hơn. Nào thì Ấm Tử Sa uống trà nó mới ngon, chén sứ trấn Cảnh Đức nó mới đẹp, khay trà, bàn trà bằng gỗ quý …. Nhưng ngay cả trong chuyện thưởng thức trà cầu kỳ này cũng không có nhiều người trùng quan điểm với nhau, người thì thích ấm bé, chén bé. Có người thì thích ấm lớn chén miệng loe lớn uống nó mới thích. Thế nên 2 phe lại hay đấu đầu nhau trong cái chuyện uống thế nào là vừa đủ. Thôi thì ấm chén ai to bé kệ, bạn hãy cứ uống trà theo cách mà bạn thoải mái nhất, vì thưởng trà là dành cho chính bản thân bạn,là giây phút thư giãn cho chính bạn nên làm thế nào mà bản thân bạn thấy mãn nguyện đó mới là cách uống trà đúng nhất, chuẩn nhất.
Nguồn: Sưu tầm