Có bạn hỏi, chè và trà có khác nhau không? Sao cùng là đồ uống từ cây chè mà khi thì gọi là chè? Khi lại gọi là trà?
Không phải chuyên gia về Ngôn ngữ học nhưng thấy câu hỏi khá thú vị nên tôi tò mò thử tìm hiểu về hai lối gọi này.
Chè là gì?
Trong ngôn ngữ Việt, “chè” là từ chỉ cây chè và các sản phẩm từ cây chè mà ra. Cũng từ “chè”, đồng âm, khác nghĩa còn để chỉ những thứ đồ ăn, uống hoặc vừa uống vừa ăn .Đó là các loại chè ngọt được nấu bằng đường (hay các loại mật mía, các loại đường khác nhau) nấu cùng với một số loại hạt, củ, quả…
Loại chè này xin không bàn ở đây mà ta hãy tìm hiểu về các lọai chè được chế biến từ cây chè vốn rất phổ biến ở Việt Nam.
Nói đến nước chè trong tiếng Việt, ta chỉ dành để nói cho các sản phẩm uống làm từ lá chè, cành chè, nụ hoa chè mà thôi. Đấy là sản phẩm từ cây chè mà các nhà khoa học đã mô tả và đặt tên :
“Camellia sinensis có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ngày nay nó được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới… Chè xanh, chè ô long và chè đen, tất cả đều được chế biến từ loài này, nhưng được chế biến ở các mức độ ôxi hóa khác nhau”. (*)
Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á là vùng phân bố tự nhiên của cây chè. Nhiều nhà khoa học cho rằng: Việt Nam nằm trong vùng phát sinh ra thứ cây uống quan trọng này của nhân loại mà bằng chứng quý giá là những rừng chè cổ thụ có thân lớn đến hai người ôm không xuể được phát hiện mới đây trong rừng nguyên sinh trên đỉnh Phansipan ở độ cao từ 2200m-2800m.
Phó giáo sư Đỗ Ngọc Quỹ đã viết, ngay các nhà khoa học về chè của Trung Quốc, nơi vẫn tự hào với những vùng chè cổ nổi tiếng ở Vân Nam, cũng phải ngạc nhiên khi nhìn thấy bức ảnh chụp những cây chè cổ thụ thân to mấy người ôm mọc ở vùng núi tây bắc Việt Nam.… (**)
Quay trở lại vấn đề tên gọi, ta có thể nghĩ nếu cây chè có nguồn gốc ở Đông Nam Á và Việt Nam nằm trong vùng phát sinh của sản vật quý già này thì hẳn là tên gọi của thứ cây này phải có liên hệ đến địa bàn phân bố sớm của chúng. Phải chăng từ “chè” có nguồn gốc lâu đời trong tiếng Việt cổ, sau đó các nhóm cư dân khác du nhập cây này họ sử dụng tên gốc và nói chệch ra thành trà hay thành những từ khác xuất phát từ nơi mà họ du nhập?
Khi tìm hiểu ngôn ngữ Mường, vốn liên quan mật thiết đến ngôn ngữ Việt cổ, thì ngôn ngữ này gọi thứ cây mà chúng ta đang bàn đến là “che”, tức không nhấn mạnh vào dấu huyền như cách nói của người Việt hiện tại. Người Thái di cư xuống Bắc Việt Nam và một vài dân tộc khác cũng gọi chè là che hoặc gần như vậy.
Chè là tên gọi thông dụng của các kiểu uống mang tính bình dân chế biến từ cây chè, ví dụ chè xanh, chè tươi, chè búp, chè bạng, chè nụ, chè hạt…Hầu như người ta không dùng từ trà để gọi trà xanh, trà tươi,… Ngay cả tiếng rao xưa từ những người bán nước rong ngoài bến xe bến tàu cũng là “Ai chè tươi nước vối đây! Nước vối nóng chè tươi nào!”. Thời xưa thằng bé cầu bơ cầu bất đi ăn xin cũng van vỉ ‘”Bà ơi cho cháu một xu/Cháu mua bánh gù cháu gửi về nam/bố cháu đi làm chè tàu thuốc lá/ mẹ cháu ở nhà khổ quá bà ơi!”.
Thậm chí, các bà thu mua đồng nát vỏ chai cũng rao “Ai đồng nát chai chè bán đây!”. “Chai chè” là thứ chai đựng chè làm bằng thủy tinh đục nom như sứ có màu trắng đựng trà do những lái buôn người Hoa bán tại các đô thị lớn nước ta từ những năm 30-40 của thế kỷ trước.
Vậy có thể coi từ nước chè, chè xanh, chè móc câu, chè nụ, chè khô, chè tươi, chè đường,… đều là những từ gọi dân gian để nói về cây chè và các lọai đồ uống có gốc từ cây chè .
Trà là gì?
Trà có là cách gọi một số đồ uống được chế biến từ cây chè. Nhưng cũng có những loạii đồ uống gọi là trà nhưng không phải từ cây chè mà từ lá, thân và cả quả, hạt của các lọai thực vật khác, mà một ví dụ phổ biến là “Bát bảo lường xà” (trà pha chế từ 8 loại dược thảo qúy).
Người Việt cũng có những kiểu uống tương tự vậy, chẳng hạn nước lá vối, nụ vối hay nước pha ra từ một vài lọai cây rừng khác. Tuy nhiên, dân ta không gọi những đồ uống này là “trà” mà mỗi thứ có một tên riêng của nó.
Từ trà trong tiếng Việt có hai nghĩa như vậy, song nghĩa phổ biến là được dùng trong những kiểu uống, cách chế biến chè cầu kì sang trọng. Trà là lối gọi của người Hoa. Trà mạn (lọai trà chế biến theo lối lên men của vùng Mạn Hảo, Vân Nam, Trung Quốc), trà sen, trà đạo, trà cúc, trà ngâu, rồi đến các dụng cụ chế biến như ấm trà, bình trà, chén trà, bàn trà, hay các nghi lễ như trà đạo, tiệc trà, trà đàm…những từ ấy có liên quan đến một văn hóa ẩm thực sang trọng cầu kì. Trong dân gian không ai dùng từ chè đạo, tiệc chè, chè đàm cả…
Quan hệ giữa chè và trà
Hai từ chè và trà đã thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa những văn hóa chế biến và thưởng thức sản phẩm từ cây chè (Camellia sinensis) với những phong cách và phong tục khác nhau. Những giao lưu ấy khiến cho nghệ thuật uống chè/trà của người Việt Nam ta vừa gần gũi vừa sang trọng, vừa bình dân lại vừa đài các.
Từ điển tiếng Việt do Trung tâm Từ điển ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học) xuất bản năm 1992 định nghĩa từ “chè”: “Cây nhỡ lá răng cưa, hoa màu trắng, quả có ba múi, trồng để lấy lá, búp, nụ pha nước uống. Hái chè. Pha chè”. Về từ “trà”, từ điển này định nghĩa: “Lá cây chè đã sao, đã chế biến, để pha nước uống. Pha trà. Ấm trà ngon. Hết tuần trà”.
Trong thực tế ngày nay, cách dùng “trà” hay “chè” là do thói quen của từng vùng. Ở phía bắc, người ta thường gọi chung cây chè là “chè” và sản phẩm làm ra từ cây chè cũng là “chè”. Trong khi đó, ở miền Nam, người ta có cách phân biệt tương đối rõ hơn: Cây trồng gọi là “chè”; còn với sản phẩm chế biến thì gọi là “trà”.
Nguồn: Sưu tầm